Bitcoin có phải là lừa đảo? Bitcoin là một loại tài sản kỹ thuật số ra đời chưa lâu so với các tài sản đầu tư khác như chứng khoán, vàng, dầu mỏ… được mua bán giữa các nhà đầu tư trên các sàn giao dịch tiền ảo. Vì thế bitcoin không phải là lừa đảo.
Tuy nhiên, nhiều vụ lừa đảo đã diễn ra quanh bitcoin khiến nhiều người lo sợ và hiểu nhầm. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng lòng tin, kiến thức hạn chế về bitcoin của những nhà đầu tư ít kinh nghiệm để làm lợi cho mình.
Đừng để bị mất tiền vì thiếu hiểu biết hay thông tin. Hãy cùng tôi tìm hiểu về những vụ lừa đảo trong đầu tư bitcoin và rút ra những bài học để bảo vệ bản thân nhé.
Vậy đâu là điều quan trọng nhất để tự bảo vệ chính mình trước các vụ lừa đảo?
● Luôn cảnh giác trước các lời mời nghe có vẻ chỉ toàn mang lại lợi ích cho bạn, hứa chắc chắn sẽ giúp bạn giàu lên nhanh chóng mà không có bất cứ chi phí gì.
● Luôn tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn tin cậy để kiểm chứng trước khi quyết định dùng tiền của mình mua bán bitcoin.
● Sử dụng các phần mềm chống gián điệp được phát hành bởi các công ty uy tín, có tên tuổi lâu đời và liên tục cập nhật phiên bản mới nhất.
● Tránh giao dịch với các cá nhân mà bạn không thật sự quen biết. Bọn lừa đảo có thể đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để làm quen với bạn nhưng chúng sẽ không bao giờ để lộ thông tin đời thật.
● Chỉ tham gia giao dịch ở những sàn giao dịch có đăng ký hoạt động công khai và tuân thủ các quy định của luật pháp mỗi nước.
Sau đây là các mánh khóe lừa đảo thường được sử dụng nhất. Bạn nên biết rõ về những mánh khóe này để kịp thời nhận biết khi rơi vào nguy hiểm. Bọn lừa đảo có thể còn kết hợp nhiều cách dưới đây thay vì chỉ dùng một cách.
Khi bitcoin trở nên phổ biến hơn, nhiều người đã tìm cách mua nó. Thật không may, những người bất chính đã lợi dụng điều này và thiết lập các sàn giao dịch bitcoin giả.
Những sàn trao đổi giả mạo này có thể lừa người dùng bằng cách cung cấp giá thị trường cực kỳ cạnh tranh khiến họ nghĩ rằng họ đang gặp một giao dịch béo bở chưa từng có để mua được một số bitcoin giá rẻ một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Chuyện có thật - 6 người bị bắt ở Anh vì tội lừa đảo "cướp biển" trị giá 27 triệu đô la Mỹ
Do bản chất lan truyền như vũ bão của thông tin trên internet, những kẻ lừa đảo tìm cách lợi dụng điều này bằng cách cung cấp bitcoin hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác miễn phí để người dùng gửi một số tiền nhỏ để đăng ký hoặc cung cấp một số thông tin cá nhân. Sau đó chúng sẽ tiếp tục khai thác thông tin này để lừa đảo tài sản của bạn hoặc người xung quanh.
Khi bạn gặp điều này trên một trang web hoặc mạng xã hội, tốt nhất là nên báo cáo nội dung lừa đảo ngay lập tức để những người khác không trở thành nạn nhân.
Hãy cảnh giác với những bức thư tống tiền trong đó bọn lửa đảo đe dọa bạn để đổi lấy bitcoin như một phương tiện tống tiền. Một cách thực hiện phổ biến là qua email, trong đó bọn chúng sẽ gửi một thông báo tuyên bố rằng chúng đã xâm nhập vào máy tính của bạn và đang vận hành nó thông qua một giao thức điều khiển máy tính từ xa (RDP).
Chúng sẽ dọa rằng một chương trình ghi chép bí mật đã được cài đặt vào máy tính của bạn và webcam của bạn đã ghi lại những gì bạn làm, mà một trong những điều đó rất nhạy cảm và bạn chắc chắn không muốn người khác biết.
Chúng cung cấp hai lựa chọn - gửi bitcoin để giữ bí mật hoặc nếu không thì nội dung nhạy cảm sẽ được gửi đến toàn bộ người quen trong danh bạ email của bạn và phát tán trên các mạng xã hội.
Bọn lừa đảo sử dụng danh sách email mà chúng đánh cắp được (bạn là một trong số những người này) và thông tin người dùng bị rò rỉ khác để chạy chương trình lừa đảo này cùng lúc với hàng ngàn người.
Câu chuyện có thật - Bitcoin tống tiền
Thật dễ dàng để tạo tài khoản truyền thông xã hội và mạo danh các nghệ sĩ. Thường thì những kẻ này sẽ chờ cho đến khi người bị mạo danh xuất bản nội dung.
Kẻ mạo danh sau đó sẽ sử dụng một tài khoản trông gần giống với tài khoản gốc để trả lời mọi người bằng một tin nhắn hay bình luận, hoặc thực hiện các hoạt động - như tặng miễn phí. Điều này làm cho mọi người nhầm tưởng rằng tài khoản thật đang nói hay hành động.
Ngoài ra, kẻ mạo danh cũng có thể cố gắng sử dụng cùng các tài khoản giả mạo này để lừa người khác thông qua tin nhắn riêng hoặc trực tiếp thực hiện một số hành động nhằm cố gắng lừa gạt hoặc thỏa hiệp.
Không bao giờ tham gia tặng miễn phí và nếu bạn nhận được yêu cầu kỳ lạ qua ai đó trong mạng của mình, tốt nhất bạn nên kiểm tra lại để xác nhận tính xác thực qua nhiều phương tiện liên lạc.
Khi gửi bitcoin, hãy đảm bảo kiểm tra lại nhiều lần địa chỉ mà bạn đang gửi tới. Một số chương trình phần mềm độc hại sau khi được cài đặt vào máy tính của bạn sẽ có thể tự động thay đổi địa chỉ ví bitcoin trong khi bạn thực hiện lệnh sao chép, do đó, tất cả số bitcoin sẽ được gửi đến địa chỉ của hacker.
Vì có rất ít khả năng để đảo ngược một giao dịch bitcoin một khi đã được xác nhận bởi mạng lưới, nên việc nhận thấy điều này có nghĩa đã là quá muộn và rất có thể không thể sửa lại.
Bạn nên cực kỳ thận trọng về những chương trình bạn cho phép có quyền truy cập quản trị viên trên thiết bị của mình. Một trình quét virus cập nhật, có uy tín cũng có thể hữu ích nhưng không thể hoàn toàn bảo vệ bạn khỏi việc bị lừa được.
Khi mua bán bitcoin, đối tác có thể yêu cầu bạn gặp trực tiếp để tiến hành trao đổi. Nếu đó không phải là một bên đáng tin cậy mà bạn đã biết thì đây là một đề xuất rất rủi ro có thể dẫn đến việc bạn bị cướp hoặc bị làm hại.
Ví dụ như bọn lừa đảo giả làm một người nổi tiếng để tăng uy tín với bạn, sau đó chúng trao đổi tiền giả để đổi lấy bitcoin.
Bạn hãy cân nhắc sử dụng một nền tảng trung gian ký quỹ để mua bán bitcoin với các nhà đầu tư khác thay vì gặp mặt trực tiếp. Như vậy, mọi rủi ro về xác định danh tính sẽ được nền tảng này chịu trách nhiệm.
Cảnh giác với các email cố ý giả mạo là đến từ các dịch vụ bạn sử dụng để mời bạn làm gì đó, chẳng hạn như đặt lại mật khẩu hoặc nhấp chuột vào liên kết để cung cấp một số loại tương tác liên quan đến tài khoản của bạn.
Có thể rất khó để nhận ra sự khác biệt trong một email giả mạo đang cố gắng lôi kéo và xâm phạm tài khoản của bạn với một email hợp pháp được gửi từ một sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn sử dụng.
Nếu nghi ngờ phía công ty gửi email, hãy kiểm tra tính xác thực bằng cách chuyển tiếp nó đến chính công ty đó bằng địa chỉ email liên hệ chính thức trên trang web của họ, hoặc gọi điện cho họ, hoặc liên hệ với họ qua tài khoản truyền thông xã hội chính thức của họ.
Các website lừa đảo thường đi đôi với các email lừa đảo. Email lừa đảo có thể liên kết đến một website giả được thiết kế giống hệt website thật để đánh cắp thông tin đăng nhập hoặc dụ dỗ một người cài đặt phần mềm độc hại.
Không cài đặt phần mềm hoặc đăng nhập vào trang web trừ khi bạn chắc chắn 100% đó không phải là trang giả mạo.
Các trang web lừa đảo cũng có thể xuất hiện dưới dạng kết quả được tài trợ trên các công cụ tìm kiếm hoặc trong các chợ ứng dụng được sử dụng bởi các thiết bị di động. Hãy cảnh giác để bạn không tải xuống ứng dụng giả mạo hoặc nhấp vào liên kết được tài trợ đến trang web giả mạo.
Không tham gia vào các mạng lưới trong đó người ta hứa hẹn đảm bảo một khoản tiền lãi cho bạn để đổi lấy khoản đặt cọc trả trước bằng bitcoin.
Đây được gọi là một chương trình ponzi, trong đó tiền gốc của các nhà đầu tư trong tương lai được sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư trước đó. Kết quả cuối cùng là ai cũng mất rất nhiều tiền.
Một hệ thống đa cấp hứa hẹn trả lãi cho bạn dựa trên số lượng người bạn mời tham gia hệ thống. Điều này giúp cho hệ thống phát triển rất rộng và nhanh, tuy nhiên nó thường không mang lại bất kỳ lợi ích có ý nghĩa nào cho các thành viên.
Đừng bao giờ mời những người quen trong mạng lưới cá nhân của bạn gia nhập hệ thống chỉ với mục tiêu duy nhất là để nhận phần thưởng hoặc lợi nhuận, và nhất định không được dùng vốn của bạn cho người khác mượn để gia nhập và đẩy nhanh quá trình mở rộng hệ thống bởi số tiền này không bao giờ được phép rút ra và tiền lãi thì quá nhỏ để có bù lại.
Đừng tin những người lôi kéo bạn hoặc người khác đầu tư bằng cách nói rằng họ biết giá bitcoin sẽ là bao nhiêu. Bạn sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của họ. Một người (hoặc nhóm người) có thể thổi giá bitcoin lên rất cao sau đó bán bitcoin của mình ở mức giá này để kiếm lợi nhuận.
Họ sẽ lừa bạn bằng cách khiến bạn tin giá bitcoin còn lên cao hơn nữa, trong khi đó họ sẽ bán bitcoin cho bạn và biến mất cùng khoản lãi, còn bạn thì đối mặt với đợt giảm giá của bitcoin. Điều bạn không biết là chính lúc này, họ lại quay lại mua bitcoin ở mức giá rẻ từ những người đang bị lừa.
Bạn cần làm gì? Tự mình nghiên cứu kỹ giá của bitcoin cũng như dự đoán xu hướng. Không tin nếu họ không có căn cứ rõ ràng về giá bitcoin.
Đây là một loại phần mềm độc hại chặn một phần hoặc toàn bộ quyền truy cập vào thiết bị của bạn trừ khi bạn trả tiền chuộc bằng bitcoin. Bạn nên tham khảo lời khuyên của một chuyên gia máy tính để được hỗ trợ gỡ bỏ phần mềm này, thay vì trả tiền chuộc.
Hãy cẩn thận khi cài đặt các chương trình trên thiết bị của mình, đặc biệt là những chương trình yêu cầu quyền quản trị. Ngoài ra, hãy chắc chắn kiểm tra ứng dụng bạn đang tải xuống để đảm bảo đó không phải là ứng dụng giả mạo.
Hãy cẩn thận khi đầu tư vào các đồng altcoin. Trong số các altcoin có thể có tiền lừa đảo, lôi kéo người dùng đầu tư thông qua các đợt bán hàng bí mật hoặc giảm giá trước khi mua hàng.
Các đồng tiền giả có thể có một trang web hào nhoáng và một cộng đồng lớn để tạo ra nỗi sợ với những người khám phá ra nó là mình đang bỏ lỡ cơ hội. Điều này giúp những người nắm giữ tiền giả từ trước đó đẩy giá tăng lên để họ có thể bán kiếm lợi nhuận và thoát khỏi thị trường.
Các đồng tiền giả mà không có cộng đồng lớn sẽ cung cấp tiền miễn phí (hoặc token) cho mọi người để đổi lấy việc tham gia cộng đồng của họ. Điều này giúp cho các đồng tiền lừa đảo trông có vẻ đang rất hấp dẫn, khiến các nhà đầu tư cảm thấy như họ đang bỏ lỡ cơ hội vào lúc họ cần phải đưa ra quyết định mua.
Tên của các đồng tiền giả có thể chứa từ “bitcoin” trong đó để đánh lừa mọi người rằng nó liên quan đến bitcoin và hoàn toàn hợp pháp.
Bạn cần rất tỉnh táo để tránh mắc phải những bẫy lừa đảo tinh vi về tâm lý này. Hãy luôn nhớ rằng bạn có rất nhiều cách để kiểm tra lại thông tin trước khi bắt đầu một giao dịch. Một tâm lý cẩn trọng và kỹ năng tìm kiếm thông tin là rất cần thiết khi đầu tư qua mạng internet thời nay.
Ponzi là hình thức lừa đảo không hề mới. Tuy nhiên gần đây vào tháng 6/2019, cơ quan điều tra Trung Quốc đã phát hiện và bắt giữ 6 đối tượng điều hành nền tảng giao dịch PlusToken.
Đây là một vụ lừa đảo theo hình thức Ponzi (tiền của người sau được dùng để trả cho người trước) với số tiền lên tới ít nhất 2 tỷ USD.
Những kẻ cầm đầu đã tổ chức rất nhiều sự kiện và lôi kéo hàng ngàn người gửi tiền cho chúng với lời hứa hẹn sẽ được trả lại gấp hàng chục lần, cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm. Sau đó, nền tảng này ngừng hoạt động và nhà đầu tư không thể lấy lại được tiền.
Điều khó khăn ở đây là ngay cả các cơ quan chức năng cũng chưa thể hoàn toàn bắt giữ được các mạng lưới này và thu giữ số tiền bất chính nhằm trả lại cho nạn nhân.
USI-Tech được thành lập ở Dubai, giao dịch chứng khoán tại Mỹ và điều hành bởi bốn cá nhân (hai trong đó là người Anh đang sinh sống tại Úc). Sàn giao dịch này cũng sử dụng hình thức lừa đảo Ponzi và hệ thống đa cấp. Về cơ bản, chúng hứa hẹn trả lãi gấp vài chục lần cho nhà đầu tư chỉ trong thời gian ngắn, và vẽ lên bức tranh cuộc sống giàu sang thông qua các video và mạng xã hội.
Mạng lưới này tinh vi và hoạt động rộng tới mức các cơ quan điều tra ở Mỹ, Canada, New Zealand, Úc, Guam, Tây Ban Nha đều lần lượt ra quyết định ngừng hoạt động của họ và cảnh báo nhà đầu tư khi nhận được lời mời tham gia. Khi đó, hàng chục triệu USD đã biến mất khỏi tài khoản của những nhà đầu tư nhẹ dạ.
Chưa hết, khi đã bị lộ tẩy, công ty này đổi tên thành Eyeline và tiếp tục thực hiện mánh lừa đảo của mình. Không lâu sau thì công ty này lại bị phát hiện bởi cơ quan chứng khoán Canada. Chúng lại tiếp tục đổi tên vào tháng 1/2019 thành WealthBoss.
Các nạn nhân được phỏng vấn đều cho biết toàn bộ số tiền đầu tư của họ đều bị mất, để lại chấn thương tâm lý nặng nề. Họ thậm chí không dám cho người thân biết vì quá xấu hổ.
Vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng khiến 32 ngàn người trắng tay năm 2018 tại Việt Nam đã khiến nhà chức trách phải vào cuộc.
iFan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Tuy nhiên, iFan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ. iFan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Đây cũng chính là mô hình lừa đảo kết hợp giữa Ponzi và đa cấp. Hàng ngàn người bị lừa tới mất nhà cửa nhưng vì không hiểu biết về luật pháp nên đến nay vẫn không thể đòi lại được tiền của mình.
Bitcoin không phải là lừa đảo, nó là tiền kỹ thuật số và có thể bị lợi dụng bởi kẻ xấu. Một số vụ lừa đảo bitcoin rất lớn đã xảy ra do bọn xấu lợi dụng lòng tham và sự kém hiểu biết của một số lượng lớn nhà đầu tư nghiệp dư.
Tất cả các loại tài sản đầu tư đều có rủi ro đi kèm với lợi nhuận. Để mua bán bitcoin an toàn, bạn cần trang bị kiến thức cho bản thân. Bạn cũng nên giữ tâm lý thật vững vàng, tỉnh táo trước những lời cám dỗ về mức lợi nhuận cực cao nhưng lại không đi kèm với rủi ro.
Tôi đã cung cấp cho bạn những kinh nghiệm liên quan đến lừa đảo bitcoin và các giải pháp để bảo vệ bản thân hiệu quả. Chúc bạn luôn thận trọng khi đầu tư bitcoin và đạt lợi nhuận xứng đáng.
* Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đểu liên quan đến rủi ro, bạn có thể nhấp vào PDS của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. Mitrade không tư vấn tài chính và tất cả mọi sản phẩm cung cấp đều trên cơ sở thực thi.
Cảnh báo rủi ro: Giao dịch có thể dẫn đến mất toàn bộ vốn của bạn. Giao dịch phái sinh OTC có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Vui lòng xem xét PDS, FSG, Tuyên bố công bố rủi ro và Thỏa thuận khách hàng của chúng tôi trước khi sử dụng các dịch vụ của chúng tôi và đảm bảo rằng bạn hiểu các rủi ro liên quan. Bạn không sở hữu hoặc có bất kỳ quan tâm đến các tài sản cơ bản.